Hình thái xã hội Hồng_Bàng

Nước Văn Lang năm 500 TCN.Xem thêm: Hành chính Việt Nam thời Hồng Bàng

Văn Lang, được coi là quốc hiệu đầu tiên của nước Việt Nam, có kinh đô đặt ở Phong Châu (nay thuộc tỉnh Phú Thọ). Lãnh thổ gồm Bắc Bộ và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ.

Theo Lĩnh Nam chích quái, quyển 1, Hồng Bàng thị truyện (鴻龐氏傳) thì nước Văn Lang:

Cả nước được chia thành 15 bộ (部), còn gọi là quận (郡):

  1. Việt Thường (越裳)
  2. Giao Chỉ (交趾)
  3. Chu Diên (朱鳶)
  4. Vũ Ninh (武寧)
  5. Phúc Lộc (福祿)
  6. Ninh Hải (寧海)
  7. Dương Tuyền (陽泉)
  8. Lục Hải (陸海)
  9. Hoài Hoan (懷驩)
  10. Cửu Chân (九真)
  11. Nhật Nam (日南)
  12. Chân Định (真定)
  13. Văn Lang (文郎)
  14. Quế Lâm (桂林)
  15. Tượng Quận (象郡)

Theo "Việt sử lược" (越史略), quyển thượng, Quốc sơ duyên cách (國初沿革) thì nước Văn Lang gồm 15 bộ lạc (部落) là:

  1. Giao Chỉ (交趾)
  2. Việt Thường Thị (越裳氏)
  3. Vũ Ninh (武寧)
  4. Quân Ninh (軍寧)
  5. Gia Ninh (嘉寧)
  6. Ninh Hải (寧海)
  7. Lục Hải (陸海)
  8. Thang Tuyền (湯泉)
  9. Tân Xương (新昌)
  10. Bình Văn (平文)
  11. Văn Lang (文郎)
  12. Cửu Chân (九真)
  13. Nhật Nam (日南)
  14. Hoài Hoan (懷驩)
  15. Cửu Đức (九德)

Kinh đô đặt tại Văn Lang.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư (大越史記全書), Ngoại kỉ (外紀), quyển 1, Hồng Bàng thị kỉ (鴻厖氏紀), cương vực và tên gọi 15 bộ của nước Văn Lang được chép gần như tương tự với Lĩnh Nam chích quái chỉ khác là không có bốn bộ Nhật Nam, Chân Định, Quế LâmTượng Quận mà thay vào đó là bốn bộ Vũ Định (武定), Bình Văn (平文), Tân Hưng (新興) và Cửu Đức (九德). Bộ Văn Lang là nơi vua đóng đô. 15 bộ của nước Văn Lang theo "Đại Việt sử ký toàn thư" bao gồm:

  1. Giao Chỉ (交趾)
  2. Chu Diên (朱鳶)
  3. Vũ Ninh (武寧)
  4. Phúc Lộc (福祿)
  5. Việt Thường (越裳)
  6. Ninh Hải (寧海)
  7. Dương Tuyền (陽泉)
  8. Lục Hải (陸海)
  9. Vũ Định (武定)
  10. Hoài Hoan (懷驩)
  11. Cửu Chân (九真)
  12. Bình Văn (平文)
  13. Tân Hưng (新興)
  14. Cửu Đức (九德)
  15. Văn Lang (文郎)

Trong triều đình có các quan Lạc hầu (駱侯) giúp việc, đứng đầu các bộ là các quan Lạc tướng (駱將), đều có thái ấp riêng, các quan nhỏ ở địa phương gọi là "Bồ chính" (蒲正). Con trai vua gọi là "Quan lang" (官郎), con gái vua gọi là "Mị nương" (媢娘) hay Mệ nàng, nữ nô lệ gọi là "xảo xứng" (稍稱) (còn gọi là "nô tỳ" (奴婢)). Xã hội phân làm ba tầng lớp là vua quan, dân, nô tỳ (nô lệ).

Sinh hoạt về vật chất còn thô sơ, dùng gỗ làm nhà sàn để ở, dệt cỏ làm chiếu, vỏ cây làm áo. Ngày thường đàn ông để trần mặc khố, vua quan thì có thêm áo hai mảnh, đàn bà thì mặc váy. Về sản xuất có trồng lúa nước, thuần hóa gia súc, dụng cụ có lưỡi cày, đồ dùng có thạp, vũ khí có rìu, đi lại có thuyền. Sinh hoạt tinh thần có những tục xăm mình, nhuộm răng đen, ăn trầu, thờ cúng tổ tiên, tôn thờ các sức mạnh thiên nhiên như thần núi, thần sông, thần gió... Vào các ngày lễ hội thường đội trên đầu mũ lông chim, thổi kèn, đánh trống, nhảy múa, bơi chải. Trích Thủy kinh chú (水經注):

"Giao Chỉ có ruộng Lạc, trông nước triều lên xuống mà làm. Người ăn ruộng là Lạc Vương (Lạc Hầu). Các huyện gọi là Lạc Tướng (quan cai quản), có ấn đồng dãi xanh, tức quan lệnh ngày nay."

Trích Lĩnh Nam chích quái:

"Hồi quốc sơ, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung lư làm cơm (có chỗ viết là uống), lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm, lấy rễ gừng làm muối, cầy bằng dao, trồng bằng lửa. Đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi cơm. Bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói. Cắt tóc ngắn để dễ đi lại trong rừng rú. Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm, có người chết thì giã cối làm lệnh, người lân cận nghe tiếng đến cứu. Chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân."